Trên đời này có một thứ còn đáng sợ hơn thất tình, đó là hết tiền. Tiền xuất hiện trong những câu chuyện chúng ta kể nhau nghe hàng ngày, bài báo chúng ta đọc hay chương trình thời sự chúng ta xem… Gần như tiền xuất hiện trong mọi chủ đề mà chúng ta tiếp xúc. Tiền không chỉ quan trọng đời sống của chúng ta, nó chính là mạch máu để nuôi dưỡng nền kinh tế. Hiểu được về cách tạo tiền trong nền kinh tế và các mà nó vận hành là một chìa khoá vô cùng quan trọng để bạn có thể hiểu được toàn cảnh về bức tranh của nền kinh tế. Đáng tiếc là nhiều người trong số chúng ta đang hiểu sai về nó.
Kinh tế học về cách tạo ra tiền trên thực không tế không giống với những gì chúng ta được học trên sách hoặc trong các giáo trình về kinh tế. Tôi và bạn đều có những người bạn làm việc ở ngân hàng nhưng tối dám cá rằng rất ít người trong số họ có thể nói cho chúng ta biết về cách mà tiền được tạo ra và vận hành trong nền kinh tế như thế nào. Học kinh tế vĩ mô ở Việt Nam đã khó vì thiếu cơ sở dữ liệu, học kinh tế tiền tệ lại càng khó vì mọi thứ đều được bảo mật vì đặc tính cẩn trọng của bộ máy phía trên. Nội dung của bài viết này phần lớn đến từ quá trình nghiên cứu những cơ sở dữ liệu và những tài liệu đáng tin cậy từ bên ngoài. Trước đây, tôi cũng như bạn. Chúng ta thường có 2 nhầm lẫn về cách tạo tiền trong nền kinh tế như sau:
Tiền được tạo ra từ dự trữ. Cách thức này được thực hiện bằng cách ngân hàng Trung ương (NHTW) bơm dự trữ vào các ngân hàng thương mại (NHTM), sau đó các NHTM sử dụng số tiền này và cho vay để tạo ra cung tiền. Đây là cách tiếp cận theo lý thuyết “số nhân của tiền” mà các giáo trình về kinh tế vẫn dạy chúng ta về cách mà NHTW điều tiết cung tiền trong nền kinh tế bằng cách bơm hoặc hút dự trữ vào hệ thống NHTM. Theo đó, với mỗi lượng dữ trữ NHTM bơm vào hoặc hút ra khỏi hệ thống NHTM sẽ tạo ra hoặc giảm bớt 1 lượng cung tiền theo cấp số nhân.
Tiền được tạo ra từ huy động. Các NHTM nhận tiền gửi từ phía khách hàng, giữ lại một phần dưới dạng dự trữ của NHTW và cho vay phần còn lại. Và cứ như vậy, vòng quay giữa việc gửi tiền, giữ lại, cho vay tạo ra một lượng cung tiền trong nền kinh tế. Điều này cũng dẫn đến một ngộ nhận sai lầm khác về huy động tiền trong nền kinh tế. Khi lãi suất giảm thì lượng tiền gửi sẽ ít đi vì mọi người sẽ phẩn bổ nguồn tiền của mình vào những tài sản khác có khả năng sinh lời hấp dẫn hơn.
Nếu bạn đang nghĩ rằng tiền trong nền kinh tế hoạt động theo những cách trên, rất tiếc phải nói với bạn rằng chúng sai hoàn toàn. Cách thức mà tiền được tạo ra và vận hành trong nền kinh tế được thực hiện hoàn toàn khác. Trước khi mô tả một cách chính xác hơn, chúng ta cần phải hiểu rõ về các hình thái của tiền trong nền kinh tế. Theo đó tất cả các loại tiền trong nền kinh tế chỉ tồn tại ở 1 trong 3 hình thái sau:
Hình thái thứ nhất: Tiền mặt (Cash)
Tiền mặt (cash) hay tiền giấy (ở một số quốc gia khác còn có tiền xu), là loại tiền có hình hài vật chất duy nhất trong 3 loại tiền. Đây là loại tiền được NHTW phát hành để phục vụ các nhu cầu thanh toán từ vừa cho đến nhỏ trong nền kinh tế. Về bản chất, tiền giấy là một nghĩa vụ Nợ phải trả của NHTW đối với các chủ thể nắm giữ chúng (điều này có nghĩa là khi bạn đang giữ tờ 50 nghìn đồng trong túi, đó là số tiền mà NHTW đang nợ bạn). Tuy nhiên, khoản “nợ” này của NHTW lại có một đặc tính vô cùng đặc biệt và chỉ có NHTW sở hữu: chúng không phát sinh lãi suất. Sự ra tăng lượng tiền mặt chính là cách thức giúp NHTW có thể giàu lên ở bất cứ mức độ nào mà chỉ chịu một chi phí duy nhất: chi phí in ấn tiền.
Tiền mặt có thể nằm ở két sắt của các NHTM hoặc nằm trong tay các hộ gia đình doanh nghiệp. Chỉ lượng tiền không nằm ở các NHTM mới được coi là tiền lưu thông trong nền kinh tế.
Hình thái thứ hai: Tiền dự trữ (Reserve).
Tất cả các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam đều có một tài khoản đặc biệt: tài khoản dự trữ do NHTW cung cấp. Đây là số tiền mà các tổ chức tính dụng (chủ yếu là các NHTM) để tại NHTW để thực hiện các nghĩa vụ rút tiền của khách hàng hoặc thanh toán các khoản vay với NHTW hoặc các NHTM. Cùng với tiền măt, đây cũng là một loại tiền mà chỉ có NHTW mới được phép được phát hành, nhưng chúng khác với tiền mặt ở chỗ là chúng là loại tiền vô hình và NHTW phải trả lãi suất cho các khoản dự trữ này. Bất kỳ sự “in tiền” nào của tiền dự trữ, NHTW phải mất một chi phí nhất định để trả cho các NHTM. Điều này có nghĩa là tổng dự trữ của các NHTM sẽ KHÔNG CÓ SỰ THAY ĐỔI theo cách mà chúng ta vẫn hay thường hiểu đó là các NHTM có quyết định giữ lại số tiền gửi (hình thái thứ 3) của khách hàng để cho vay phần còn lại hay không. Thực chất, tiền dự trữ không thể chuyển thành tiền gửi và ngược lại. Tổng số tiền dự trữ của hệ thống ngân hàng chỉ có sự thay đổi phụ thuộc duy nhất vào một điều: sự điều tiết của NHTW thông qua các nghiệp vụ thị trường mở và cho vay, tái chiết khấu giấy tờ có giá.
Tiền mặt và tiền dự trữ đều do NHTW phát hành, do đó chúng còn được gọi là tiền ngân hàng trung ương, hay “tiền cơ sở” (Money base).
Hình thái thứ ba: Tiền gửi (Deposit)
Đây là lượng tiền được ghi trên các tài khoản ngân hàng của chúng ta chiếm nhiều nhất trong lưu thông trong nền kinh tế hiện tại. Hầu như phần lớn các giao dịch hàng ngày của chúng ta đều thực hiện thông qua loại hình tiền này. Bản thân tiền gửi là một cái tên rất dễ gây nhầm lẫn và nó cũng là loại hình thái của tiền hay bị hiểu sai nhất. Tổng tiền gửi trong nền kinh tế không được tạo ra từ QUYẾT ĐỊNH GỬI TIỀN của hộ gia đình hay doanh nghiệp, bởi vì những giao dịch này không làm tăng quy mô tiền gửi. Khi bạn bán một lượng vàng để gửi tiền vào ngân hàng, tổng tiền gửi sẽ không có sự gia tăng bởi vì đối ứng với giao dịch này là một sự sụt giảm tương ứng trong tiền gửi của người mua. Khác với tiền mặt và tiền dự trữ, tiền gửi không được tạo ra từ NHTW mà chúng được tạo ra từ các NHTM thông qua các nghiệp vụ cấp TÍN DỤNG của mình. Khi một ngân hàng cho vay, thường không thực hiện theo cách đưa cho người người vay (hộ gia đình và doanh nghiệp) bằng tiền mặt. Thay vào đó, nó ghi có trong tài khoản ngân hàng của người đó một khoản tiền gửi ngân hàng bằng với giá trị khoản vay. Khi đó, tiền mới được tạo ra. Vì lý do này, một số nhà kinh tế học đã xem khoản tiền gửi ngân hàng như là “bút tệ”, loại tiền được tạo ra từ nét bút của ngân hàng khi nó phê duyệt các khoản vay. Do vậy nó là loại tiền duy nhất trong số 3 hình thái là nó không có thật.
Những gì diễn ra trên bảng cân đối kế toán của các chủ thể trong nền kinh tế sẽ giúp bạn dễ hình dung hơn về cách mà tiền đã được tạo ra trong nền kinh tế như thế nào. Giả sử một người tiêu dùng đi vay ngân hàng một số tiền để mua nhà. Khoản vay mới làm sẽ làm tăng nợ của người vay nhưng đồng thời cũng tăng tài sản của họ, tiền gửi tại các NHTM. Trên bảng cân đối của NHTM, tổng tài sản sẽ tăng lên bằng với tín dụng cấp cho người vay và trong nợ phải trả chính là số tiền gửi của khác hàng đó. Và trong giao dịch này, không hề có bất kỳ sự thay đổi nào trong lượng tiền ngân hàng trung ương (tiền mặt và tiền dự trữ).
Mô tả về sự tạo tiền này trái ngược với sai lầm thứ nhất mà mình nêu ở trên rằng các ngân hàng chỉ có thể cho vay tiền có sẵn từ trước (dự trữ). Tiền gửi ngân hàng chỉ đơn giản là một sự ghi nhận về số tiền mà chính ngân hàng nợ khách hàng. Vì vậy, chúng là một khoản nợ của ngân hàng chứ không phải là một tài sản có thể cho vay. Khoản dự trữ chỉ có thể được cho vay giữa các ngân hàng, vì người tiêu dùng không có tài khoản dự trữ tại NHTW.
Vậy tiền dự trữ đóng vai trò gì trong các giao dịch kinh tế? Phải chăng các NHTM sẽ in tiền không giới hạn ra nền kinh tế bằng cách mở rộng tín dụng? Tiếp tục với ví dụ phía trên. Sau khi nhận được một khoản tiền vay của ngân hàng, người vay tiền tiến hành chuyển số tiền đó cho người bán nhà. Lúc này, một giao dịch mới được phát sinh. Số tiền gửi di chuyển từ tài khoản ngân hàng của người mua sang tài khoản ngân hàng của người bán, tương đương với nợ phải trả của ngân hàng người mua sẽ giảm đi phần tiền gửi này và tương ứng là tăng lên ở phần nợ phải trả đối với ngân hàng người bán. Ở phía tài sản, vai trò của tiền dự trữ lúc này sẽ được phát huy khi ngân hàng của người mua sẽ chuyển cho ngân hàng người bán một lượng dự trữ bằng với khoản tiền gửi kia. Nói cách khác, tiền dự trữ mới thực sự là trung gian của các giao dịch được phát sinh trong nền kinh tế.
Tổng kết lại cả 2 hai giao dịch phía trên, lượng tín dụng và tiền gửi đã tăng lên một khoản tương ứng, trong khi dự trữ của ngân hàng không thay đổi mà chỉ có sự chuyển dịch từ ngân hàng này sang ngân hàng kia. Theo những cách tương tự, tín dụng và tiền trong nền kinh tế có thể tăng đến một mức độ không giới hạn mà không có sự gia tăng của tiền dự trữ tương ứng. Tuy nhiên, khi quy mô của tín dụng càng lớn, sẽ càng có nhiều giao dịch kinh tế được phát sinh và lúc này tiền dự trữ sẽ được quay vòng liên tục giữa các ngân hàng để đáp ứng cho các giao dịch này. Và khi tốc độ của nó được thực hiện quá nhanh mà không có thêm sự bổ sung từ NHTW sẽ gây ra một trạng thái mà chúng ta hay gọi là: thiếu thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng.
Trên thực tế, hầu hết các khoản tín dụng được thực hiện là để thực hiện một giao dịch kinh tế. Do vậy, khi một ngân hàng cung cấp một khoản tín dụng mới, điều đó thường đi kèm với một lượng dự trữ sẽ được rút bớt và nó cũng vô tình khiến chúng ta lầm tưởng rằng ngân hàng đã “cắt” một khoản dự trữ để cho khách hàng vay. Sự thật sự sụt giảm của dự trữ không đến từ giao dịch cho vay, nó đến từ giao dịch kinh tế sau đó. Mỗi ngày ngân hàng thực hiện rất nhiều khoản cấp tín dụng cho khách hàng của mình, đồng nghĩa với chừng đó số tiền dự trữ có khả năng bị mất đi. Do vậy, các NHTM phải luôn tìm cách để bổ sung nguồn dự trữ của mình bằng cách thu hút tiền gửi từ khu vực cư dân bởi theo ví dụ trên, khi một khoản tiền gửi được chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, tương ứng sẽ có sự chuyển dịch ở phía tiền dự trữ. Trong trường hợp ngân hàng không có đủ lượng dự trữ để thực hiện các giao dịch thanh toán của khách hàng, nó buộc phải đi vay dự trữ từ phía các NHTM hoặc bí bách hơn là vay từ NHTW. Và những trường hợp như vậy gọi là: thiếu thanh khoản cục bộ hệ thống ngân hàng.
Đến đây thì bạn đã hình dung mọi thứ rõ ràng hơn rồi phải không? Rất tiếc là vẫn còn nhiều điều ẩn dấu sau bức tranh chưa được bạn khám phá. Như chúng ta đã trao đổi phía trên, bất kỳ sự tạo tín dụng ngân hàng nào sẽ tạo ra một lượng tiền gửi trong hệ thống tương ứng. Như vậy thì về lý thuyết, tổng tín dụng và tổng huy động (tiền gửi) của hệ thống ngân hàng sẽ luôn bằng nhau. Tuy nhiên thực tế chúng lại khác nhau như trong như hình bên dưới? Thực chất đây là một chiếc chart vô cùng đáng giá nếu bạn biết cách hiểu về nó. Bài viết tiếp theo mình sẽ làm rõ vấn đề này: Sự biến mất của tiền.