Ngày 2 tháng 4 năm 2025, một thông báo từ Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Donald Trump đã làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu. Với một phong cách quyết đoán và có phần gây tranh cãi quen thuộc, ông Trump đã công bố một chính sách thuế quan mới, được gọi là "thuế đối ứng", nhắm vào hơn 180 nền kinh tế trên thế giới. Công thức được đưa ra gây ngạc nhiên vì sự đơn giản của nó: mức thuế áp dụng cho hàng hóa từ một quốc gia vào Mỹ sẽ được tính bằng một nửa mức thâm hụt thương mại của Mỹ đối với quốc gia đó, chia cho tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia đó vào thị trường Mỹ.
Ngay lập tức, các chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ và toàn cầu đã lao dốc không phanh. Làn sóng bán tháo lan rộng phản ánh nỗi lo sợ bao trùm của giới đầu tư. Lập luận phổ biến được đưa ra là chính sách thuế quan này sẽ làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu, bóp nghẹt sức mua của người tiêu dùng Mỹ, gây tổn hại cho các doanh nghiệp phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, và cuối cùng có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng cả thế giới vào một cuộc suy thoái mới.
Tuy nhiên, giữa cơn hoảng loạn của thị trường và những phân tích tiêu cực dồn dập, liệu có khả năng rằng tất cả chúng ta đang hiểu sai về ý định thực sự của Trump?
Từ chủ nghĩa trọng thương đến thương mại tự do
Để hiểu được khả năng chúng ta đang hiểu sai về Trump, trước hết cần xem xét hai lăng kính đối lập về thương mại quốc tế và thâm hụt thương mại.
Hãy tưởng tượng một nền kinh tế đóng rất đơn giản, chỉ có doanh nghiệp nội địa A và người tiêu dùng B. Doanh nghiệp A sử dụng 8 đồng nguồn lực (lao động, vốn, nguyên liệu...) để sản xuất ra sản phẩm X và bán cho B với giá 10 đồng, thu về lợi nhuận 2 đồng. Mọi chuyện diễn ra bình thường trong phạm vi quốc gia.
Bây giờ, xuất hiện doanh nghiệp C từ một quốc gia khác. Doanh nghiệp C cũng sản xuất sản phẩm X tương tự, nhưng nhờ lợi thế nào đó (nhân công rẻ hơn, công nghệ tốt hơn...), họ chỉ tốn 7 đồng nguồn lực. Do đó, C có thể bán sản phẩm X cho người tiêu dùng B với giá chỉ 9 đồng mà vẫn có lợi nhuận 2 đồng. Đương nhiên, người tiêu dùng B sẽ lựa chọn mua hàng của C vì giá rẻ hơn. Kết quả là doanh nghiệp A không bán được hàng, và 9 đồng từ túi của B (và nền kinh tế trong nước) đã chảy sang quốc gia của C.
Nhìn vào giao dịch này, một người theo chủ nghĩa trọng thương, sẽ có xu hướng nghĩ rằng: Quốc gia của B và A đã thua thiệt. Tiền đã chảy ra khỏi đất nước. Quốc gia của C rõ ràng là người hưởng lợi, họ đã "rút túi" được 9 đồng từ quốc gia kia. Thâm hụt thương mại là một dấu hiệu của sự yếu kém, là sự mất mát của cải quốc gia. Quan điểm này dường như cũng tương đồng với những phát biểu thường thấy của ông Trump về việc các quốc gia khác "lợi dụng" nước Mỹ thông qua thâm hụt thương mại. Việc áp thuế đối ứng, theo logic này là để ngăn chặn dòng tiền chảy ra, bảo vệ doanh nghiệp nội địa A.
Tuy nhiên, chủ nghĩa thương mại tự do lại đưa ra một góc nhìn hoàn toàn khác. Học thuyết này xem thương mại quốc tế như một trò chơi có tổng dương, nơi tất cả các bên tham gia đều có thể cùng có lợi. Lợi ích không chỉ nằm ở việc bán được hàng (như C) hay mua được hàng giá rẻ (như B). Nó phức tạp hơn và cần xem xét các yếu tố sau:
Chi phí thực sự của C: Điều gì xảy ra nếu quốc gia C, mặc dù bán sản phẩm X với giá 9 đồng, nhưng thực tế đã phải sử dụng đến 9 đồng nguồn lực (ví dụ do chi phí môi trường không được tính toán đầy đủ, hoặc do trợ cấp của chính phủ làm méo mó chi phí)? Khi đó, lợi ích thực sự mà quốc gia C nhận được từ giao dịch này là không đáng kể, thậm chí có thể là âm nếu tính đầy đủ chi phí xã hội.
Chi phí cơ hội của C: Thay vì sản xuất X và bán với giá 9 đồng, có thể quốc gia C có lợi thế để sản xuất một sản phẩm Y khác và bán được với giá 10 đồng. Việc tập trung vào sản xuất X giá rẻ có thể khiến C bỏ lỡ cơ hội tạo ra giá trị cao hơn ở lĩnh vực khác.
Sự thích ứng của A: Khi không còn cạnh tranh được ở sản phẩm X, doanh nghiệp A không nhất thiết phải đóng cửa. Họ có thể chuyển đổi nguồn lực (lao động, vốn) sang sản xuất một sản phẩm Z nào đó mà họ có lợi thế hơn, ví dụ bán được với giá 11 đồng.
Nếu trường hợp (1) hoặc (2) xảy ra, đồng thời với trường hợp (3) thì mối quan hệ thương mại của quốc gia nhập khẩu và xuất khẩu không hẳn là một mối quan hệ có lợi ích nghiên về quốc gia xuất khẩu. Nó có thể là một quan hệ "win-loss" theo hướng có lợi cho quốc gia nhập khẩu (người tiêu dùng B được lợi từ giá rẻ, doanh nghiệp A chuyển sang sản xuất hiệu quả hơn), hoặc thậm chí là "win-win" nếu cả hai quốc gia đều tái phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn dựa trên lợi thế so sánh của mình. Mỗi quốc gia nên chuyên môn hóa vào việc sản xuất và xuất khẩu những gì họ làm tốt nhất (có chi phí cơ hội thấp nhất) và nhập khẩu những thứ khác. Người tiêu dùng B được lợi từ giá rẻ, doanh nghiệp A tìm được hướng đi mới hiệu quả hơn, và ngay cả doanh nghiệp C cũng có thể đang sử dụng nguồn lực của mình một cách tối ưu nhất theo lợi thế so sánh.
Như vậy, việc nhìn nhận thâm hụt thương mại đơn thuần là "bị lợi dụng" theo kiểu trọng thương là một cách tiếp cận phiến diện, bỏ qua những lợi ích tiềm ẩn từ hiệu quả phân bổ nguồn lực và lợi ích của người tiêu dùng. Và chúng tôi tin là Trump nhận ra điều này.
Thâm hụt Mỹ - Trung: ai thắng, ai thua?
Mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, với thâm hụt khổng lồ nghiêng về phía Mỹ trong nhiều năm, là ví dụ điển hình cho cuộc tranh luận này. Liệu Trung Quốc có thực sự là bên hưởng lợi tuyệt đối và Mỹ là kẻ thua cuộc rõ ràng?
Về phía Trung Quốc:
Việc chỉ nhìn vào con số thâm hụt thương mại và kết luận Trung Quốc "thắng" có thể là một sự vội vàng. Có những dấu hiệu cho thấy lợi ích thực sự mà Trung Quốc thu được từ việc xuất khẩu ồ ạt sang Mỹ không lớn như vẻ ngoài:
Hiệu quả công nghiệp giảm sút: Mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư ồ ạt và xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức. Những lợi thế cạnh tranh ban đầu như chi phí nhân công thấp, tiêu chuẩn môi trường lỏng lẻo đang dần mất đi. Chi phí lao động tăng, áp lực về môi trường ngày càng lớn, và sự cạnh tranh từ các quốc gia khác đang làm xói mòn lợi thế của ngành công nghiệp Trung Quốc. Dữ liệu gần đây cho thấy một bức tranh đáng lo ngại: tỷ lệ các doanh nghiệp công nghiệp thua lỗ ở Trung Quốc đã gia tăng đáng kể, có thời điểm tiến gần đến mức 30%. Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp đang hoạt động dưới áp lực lớn, không còn dễ dàng kiếm lợi nhuận như trước.
Biên lợi nhuận mỏng: Ngay cả khi có lợi nhuận, biên lợi nhuận của ngành công nghiệp Trung Quốc nhìn chung là rất thấp. Các số liệu cho thấy biên lợi nhuận chỉ dao động quanh mức 4-6% trong những năm gần đây, thấp hơn đáng kể so với các giai đoạn trước đó hoặc so với các ngành công nghiệp ở các nước phát triển. Hơn nữa, cần phải tính đến vai trò của chính phủ Trung Quốc trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các chính sách trợ cấp, ưu đãi thuế, vốn vay giá rẻ... Nếu loại bỏ yếu tố hỗ trợ này, lợi ích quốc gia thực sự thu được từ hoạt động xuất khẩu công nghiệp có thể còn mỏng hơn nữa. Trung Quốc có thể đang "hy sinh lợi nhuận" để đổi lấy quy mô xuất khẩu và thị phần, một chiến lược có thể không bền vững trong dài hạn.
Về phía Mỹ:
Ngược lại, việc Mỹ liên tục thâm hụt thương mại không đồng nghĩa với việc Mỹ hoàn toàn là bên thua thiệt:
Chuyển dịch sang Dịch vụ: Nền kinh tế Mỹ đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang các ngành dịch vụ, nơi có giá trị gia tăng cao hơn và ít chịu áp lực cạnh tranh trực tiếp từ hàng hóa nhập khẩu giá rẻ. Lao động và vốn được giải phóng từ các ngành sản xuất truyền thống có thể được tái phân bổ vào các lĩnh vực dịch vụ như công nghệ, tài chính, y tế, giáo dục... nơi Mỹ có lợi thế cạnh tranh lớn hơn.
Tối ưu hóa nguồn lực toàn cầu: Các doanh nghiệp Mỹ đã rất thành công trong việc xây dựng các chuỗi cung ứng toàn cầu, tận dụng nguồn lực và chi phí sản xuất thấp ở các quốc gia khác (bao gồm cả Trung Quốc) để tối ưu hóa hoạt động và gia tăng lợi nhuận. Việc nhập khẩu hàng hóa trung gian hoặc thành phẩm giá rẻ giúp các công ty Mỹ giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh và tập trung vào các khâu có giá trị cao hơn như thiết kế, R&D, marketing và thương hiệu.
Hiệu quả đầu tư vốn vượt trội: Một yếu tố quan trọng thường bị bỏ qua là hiệu quả sử dụng vốn. Dữ liệu về dòng thu nhập đầu tư quốc tế cho thấy một bức tranh thú vị: tỷ suất lợi nhuận mà Mỹ thu được từ các khoản đầu tư ra nước ngoài (FDI, cổ phiếu, trái phiếu...) thường cao hơn đáng kể so với tỷ suất lợi nhuận mà các nhà đầu tư nước ngoài thu được từ các khoản đầu tư vào Mỹ. Chênh lệch này, đôi khi lên tới 1-2% hoặc hơn, cho thấy khả năng phân bổ vốn hiệu quả của các nhà đầu tư Mỹ trên thị trường toàn cầu.
Rõ ràng, bức tranh thương mại Mỹ - Trung phức tạp hơn nhiều so với một phép cộng trừ đơn giản về thâm hụt. Lợi ích và chi phí được phân bổ không đồng đều và cần được đánh giá một cách toàn diện hơn.
Mục đích thực sự của Trump là gì?
Với bối cảnh đó, chính sách "thuế đối ứng" của Trump có thể được nhìn nhận dưới một góc độ khác, vượt ra ngoài những diễn giải thông thường về chủ nghĩa bảo hộ hay cuộc chiến thương mại đơn thuần.
Trước hết, mục tiêu chính không phải là bảo vệ các ngành sản xuất chi phí cao, kém hiệu quả của Mỹ. Donal Trump, dù gây tranh cãi, là một doanh nhân và đủ thực tế để hiểu rằng Mỹ khó có thể cạnh tranh về chi phí sản xuất với nhiều quốc gia khác, đặc biệt trong các lĩnh vực thâm dụng lao động. Việc áp thuế cao để đưa các công việc sản xuất giá rẻ trở lại Mỹ có thể không khả thi và gây tổn hại cho người tiêu dùng. Do vậy, đây cũng là lý do mà mục tiêu thuế quan cũng không thực sự là đưa các doanh nghiệp sản xuất quay lại Mỹ. Thực tế, thuế quan thường có xu hướng cản trở FDI hơn là thu hút nó, bởi lẽ chúng làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện, phá vỡ chuỗi cung ứng và tạo ra môi trường kinh doanh bất ổn
Vậy, đâu có thể là mục tiêu chiến lược thực sự?
Hãy xem xét sự khác biệt trong cấu trúc lợi nhuận. Như đã đề cập, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc hoạt động với biên lợi nhuận rất mỏng. Ngược lại đối với các doanh nghiệp Mỹ, lợi thế về thương hiệu và công nghệ thường đem lại biên lợi nhuận cao hơn đáng kể. Họ tập trung vào giá trị và lợi nhuận, chứ không chỉ là số lượng. Do vậy mỗi đồng đô la hàng hóa Mỹ xuất khẩu đi thường mang lại lợi ích quốc gia lớn, hay việc gia tăng xuất khẩu luôn là một mối quan hệ "Win" rõ ràng cho Mỹ.
Từ đó, chúng tôi cho rằng mục tiêu thực sự của chính sách thuế đối ứng là: đây là một đòn bẩy đàm phán để thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ.
Công thức thuế dựa trên thâm hụt song phương sẽ không chỉ tác động đến Trung Quốc. Nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Điều đáng chú ý là, những quốc gia này không phải lúc nào cũng hoạt động với biên lợi nhuận mỏng như Trung Quốc. Nhiều đối tác thương mại của Mỹ, bao gồm cả các đồng minh ở châu Âu và châu Á, đang xuất khẩu những mặt hàng có giá trị và biên lợi nhuận đáng kể vào thị trường Mỹ. Đối với những quốc gia này, việc bị áp một mức thuế cao dựa trên thâm hụt song phương sẽ gây tổn hại trực tiếp và nghiêm trọng hơn nhiều đến lợi nhuận của doanh nghiệp họ so với các doanh nghiệp Trung Quốc vốn đã quen với biên lợi nhuận thấp.
Do đó, chính sách này tạo ra một lợi thế đàm phán rất lớn cho Mỹ. Bằng cách "đe dọa" áp thuế đối ứng, chính quyền Trump có thể gây áp lực lên các quốc gia đang có thặng dư thương mại với Mỹ, buộc họ phải ngồi vào bàn đàm phán và đưa ra các nhượng bộ. Cụ thể là việc tăng cường nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ để giảm bớt mức thâm hụt song phương và tránh bị áp thuế. Trong những ngày gần đây, đã có hơn 50 quốc gia đề nghị đàm phán với Mỹ (bao gồm Việt Nam) là một thành tựu bước đầu trong chính sách thuế quan mà Trump đạt được.
Tóm lại, mục tiêu cuối cùng của chính sách thuế quan này không phải là làm Trung Quốc yếu đi bằng mọi giá, cũng không phải là thu hút đầu tư về Mỹ một cách thiếu thực tế, mà đơn giản là giúp các doanh nghiệp Mỹ "bán được nhiều hàng hơn" vào các thị trường nước ngoài. Đó là một chiến thuật điển hình trong "Nghệ thuật đàm phán" của Trump: sử dụng thâm hụt thương mại của chính mình như một vũ khí để đạt được lợi thế trong các thỏa thuận song phương, buộc các đối tác phải mở cửa thị trường hoặc cam kết mua một lượng lớn hàng hóa Mỹ.
Bài viết thật hay
Nhưng điều này làm mình ghét Trump, ghét luôn nước Mỹ và SP Mỹ