Sau một giai đoan thăng hoa từ đầu năm, thị trường chứng khoán thế giới trải qua một tháng 4 đầy những biến động. Chỉ số Nikkei của Nhật giảm mạnh 6.0%, Kospi giảm 3.3%, S&P500 giảm 2.9% và Vnindex của chúng ta là một trong những thị trường ghi nhận mức giảm mạnh nhất gần 5.8%. Có rất nhiều lý do dược đem ra để đổ lỗi cho diễn biến này: FED cắt giảm lãi suất lâu hơn dự kiến, căng thẳng địa chính trị khu vực Trung Đông leo thang hoặc một vài dữ liệu cho thấy tiêu dùng Mỹ có một vài dấu hiệu chậm lại…
Tuy nhiên một nguyên mà tôi cho rằng nó hợp lý hơn cả đó là: đợt điều chỉnh của thị trường chỉ đơn giản là để hạ nhiệt xu hướng tăng trưởng nóng của một số thị trường trong giai đoạn trước đó. Bằng chứng là trong tháng 4 chúng ta vẫn ghi nhận mức tăng ở một số chỉ số như FTSE 100, Shanghai hay thậm chi Hangseng tăng đến 6.7% trong 1 tháng qua. Đây đều là những thị trường đang có mức định giá thấp bất chấp xu hướng tăng của chứng khoán toàn cầu trong giai đoạn 2023 – 2024. Sự điều chỉnh chỉ diễn ra mạnh ở các thị trường là nơi mà Nikkei hay SP500 đã có mức định giá về gần mức đỉnh cuối 2021, đầu 2022. Trong những ngày cuối cùng của tháng 4, ánh sáng đã dần xuất hiện khi một sự hồi phục trên diện rộng đã diễn ra trên khắp các thị trường. Câu hỏi mà bất kỳ cũng quan tâm nhất lúc này là: đây chỉ là một sự khởi đầu cho một chu kỳ đi xuống của thị trường hay việc điều chỉnh đã kết thúc?
Mỹ
Nguồn cơn cho một trong những nguyên nhân được đem ra “đổ lỗi” nhiều nhất là số liệu lạm phát kém tích cực trong tháng 3 của Mỹ với CPI tăng 3.5%, cao hơn đáng kể so với mức tăng 3.2% của tháng trước đó. Điều này khiến cho triển vọng về khả năng cắt giảm lãi suất của FED trở nên mịt mờ hơn. Dữ liệu mới nhất từ Bloomberg cho thấy triển vọng cắt giảm lãi suất của FED mà thị trường dự đoán trong năm 2024 đã giảm mạnh từ mức 1,5% của đầu năm về chỉ còn hơn 0,3%. Tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa với việc thị trường vẫn còn kỳ vọng sẽ có ít nhất 1 lần cắt giảm lãi suất của FED trong năm nay.
Hệ lụy của việc đổi kỳ vọng về FED đã tác động trực tiếp đến thị trường trái phiếu thế giới cũng như là tỷ giá. Lợi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ tăng hơn 40 điểm cơ bản trong vòng 1 tháng. Ngoại trừ Trung Quốc, lợi suất trái phiếu của khắp nơi trên thế giới đều ghi nhận mức tăng mạnh trong 1 tháng qua, báo hiệu một môi trường lãi suất cao kéo dài hơn dự kiến so với ban đầu. Chỉ số DXY tăng hơn 1.5% trong 1 tháng qua kéo theo sự mất giá của hàng loạt đồng tiền so với USD. Dẫn đầu là đồng Yên Nhật với mức sụt giá hơn 4,6% bất chấp ngân hàng Trung ương nước này vừa có quyết định tăng lãi suất lần đầu sau nhiều năm. Việt Nam Đồng của chúng ta cũng không tránh khỏi vòng xoáy đó khi mất giá hơn 2% chỉ trong 1 tháng buộc Ngân hàng nhà nước phải có những hành động can thiệp để hạ nhiệt.
Dữ liệu tăng trưởng GDP quý 1 của Mỹ đã được công bố có thể khiến nhiều người nhầm lẫn. Mặc dù tốc độ tăng trưởng giảm liên tục 3 quý liên tiếp nhưng thực chất nền kinh tế Mỹ vẫn đang duy trì sự phục hồi ấn tượng trong 3 quý gần đây. Những yếu tố mang tính chất đột biến như đầu tư tư nhân tăng mạnh do thay đổi hàng tồn kho trong quý 3/2023 hay nhập siêu mạnh trong quý 1/2024 đang khiến cho dữ liệu về tăng trưởng GDP của Mỹ bị méo mó. Thước đo phản ánh chính xác nhất và sức khỏe kinh tế Mỹ chính là sức tiêu dùng vẫn đang cho thấy một trạng thái phục hồi mạnh mẽ kéo dài từ cuối 2023 đến nay. Cụ thể hơn đó là sự cải thiện trong chỉ số tâm lý người tiêu dùng, sự phục hồi của hoạt động nhập khẩu hay nhu cầu tiêu dùng tăng lên ở nhóm các mặt hàng thiết yếu…
Mặc dù vậy, chúng ta cũng cần lưu ý rằng không phải tất cả đều là màu hồng. Tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu đang có sự giảm tốc dưới sức ép của việc lãi suất ở mức cao duy trì trong thờ gian dài, thể hiện rõ nét nhất qua sức tiêu thụ xe hơi của Mỹ nhiều khu vực khác trên thế giới giảm sút. Sau các tháng phục hồi liên tục, nhập khẩu của Mỹ cũng có dấu hiệu chững lại trong tháng 3 dưới sự sụt giảm nhu cầu của nhiều mặt hàng. Đây là những dữ liệu quan trọng mà chúng ta cần chú ý trong các tháng tiếp theo.
Trung Quốc
Nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang cho thấy một sức sống dẻo dài sau sự đổ vỡ của thị trường bất động sản lúc này. Tính từ mức đỉnh điểm đầu năm 2021, thị trường bất động sản Trung Quốc có thể nói là đã trải qua quãng thời gian kéo dài khoảng 3 năm suy giảm và đang trong quá trình tạo đáy để bắt đầu cho một chu kỳ mới. Đương nhiên vẫn còn quá sớm để có thể nói thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ phục hồi trong năm nay, nhất là khi những dữ liệu mới trong các tháng đầu năm vẫn chưa phát ra tín hiệu này. … Tuy nhiên nhờ sự phục hồi của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực sản xuất, cùng với chính sách tiền tệ và tài khóa vẫn đang “mở” thì chúng ta hoàn toàn có quyền tin rằng: những gì xấu nhất đối với thị trường bất động sản Trung Quốc đã đi qua.
Khu vực sản xuất chính là điểm sáng nhất của quốc gia tỷ dân lúc này khi chỉ số PMI sản xuất chuyển từ vùng thu hẹp sang vùng mở rộng nhờ lượng đặt hàng mới tăng mạnh trong tháng 3. Đầu tư tài sản cố định, thể hiện cho nhu cầu mua sắm trang thiết bị, xây dựng nhà xưởng… trong lĩnh vực sản xuất đang phục hồi qua từng tháng dưới sự dẫn dắt của khu vực nhà nước. Điểm trừ duy nhất là xuất khẩu trong tháng 3 của Trung Quốc có sự sụt giảm do nguyên nhân tương tự ở trên: nhập khẩu tại các nền kinh tế phát triển bất ngờ yếu đi.
EU
Kinh tế châu Âu đang có sự ngược pha rõ nét giữa hai khu vực: sản xuất và dịch vụ. Trong khi sản xuất tại khu vực EU đang suy yếu mà nguyên nhân chính là sự yếu đi của Đức khi thị trường xuất khẩu xe hơi của quốc gia này đang dần rơi vào tay các nước châu Á. Chỉ số PMI sản xuất của EU ghi nhận gần 2 năm liên tiếp nằm trong vùng thu hẹp và xu hướng đang giảm dần qua từng tháng. Ngược lại, PMI của khu vực dịch vụ tăng mạnh trong các tháng gần đây, báo hiệu nhu cầu tiêu dùng tại nên kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang dần phục hồi. Đây là động lực quan trọng giúp kinh tế của EU có thể tránh được kịch bản suy thoái sau 3 quý liên tục tăng trưởng quanh mức 0%.
Một điểm sáng quan trọng là trái với những gì đang diễn ra tại Mỹ, xu hướng lạm phát trong các tháng gần đây của khu vực EU là đang tiếp tục hạ nhiệt một cách tích cực. Chỉ số HICP, dùng để đo lường lạm phát của khu vực EU giảm mạnh từ mức 2,9% từ cuối năm 2023 về chỉ còn 2,4% trong tháng 3, bất chấp diễn biến của giá dầu thế giới. Điều này có thể kích thích ECB cắt giảm lãi suất nhanh và mạnh hơn so với FED ngay trong 2024. Giới đầu tư đang dự đoán rằng ECB sẽ cắt giảm đến 0,67% lãi suất trong năm nay, tương đương mức tối thiểu 2 lần cắt giảm lãi suất so với mức chỉ 1 lần của FED. Việc cắt giảm lãi suất nhanh hơn của ECB sẽ là một liều thuốc tăng lực cho nền kinh tế khu vực này, vốn đang chịu nhiều thách thức.
Việt Nam
Mức tăng trưởng GDP đạt 5,7% trong quý 1 có thể làm hài lòng các nhà hoạch định chính sách như sự thật là nó cho thấy tốc độ tăng trưởng đang chậm lại so với quý cuối cùng của năm 2023. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng của các thành phần đóng góp vào GDP đều ghi nhận mức sụt giảm: từ công nghiệp, dịch vụ cho đến nông nghiệp.
Mặc dù chính sách tiền tệ vẫn đang trong giai đoạn nới lỏng để hỗ trợ cho nền kinh tế trong quý 1, song sự giảm tốc trong tăng trưởng kinh tế theo tôi đến từ hai yếu tố (1) chính sách tài khóa hạ nhiệt trong quý 1 sau 1 năm tăng trưởng nhanh để thúc đẩy kinh tế và (2) sự phục hồi của khu vực sản xuất của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc nhiều vào diễn biến của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Trong quý 1, vốn đầu tư NSNN (chủ yếu là các lĩnh vực phi kinh tế) chỉ đạt gần 98 nghìn tỷ, tăng 5% so với cùng kỳ trong khi vốn đầu tư công (bao gồm các lĩnh vực kinh tế) chỉ tăng 1.3% so với cùng kỳ, thấp hơn đáng kể so với tăng bình quân 3% trong năm 2023.
Nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế không có quyền tự quyết khi chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu. Xuất khẩu chiếm đến gần 90% GDP, riêng xuất khẩu sang Mỹ đã chiếm đến gần 25% GDP cả nước. Do đó, một sự bất ổn của nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng gây ra những hệ lụy không nhỏ đến kinh tế nước ta.
Thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán trong nước ghi nhận sự điều chỉnh mạnh trong tháng 4 sau giai đoạn thăng hoa đầu năm. Có quá nhiều “làn gió ngược” cùng lúc xuất hiện gây nên áp lực không nhỏ lên thị trường bao gồm: tỷ giá tăng giá tăng mạnh buộc Ngân hàng nhà nước phải ra tay can thiệp, lãi suất thị trường liên ngân hàng và lãi suất trái phiếu chính phủ tạo đáy, sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán thế giới…
Có rất nhiều lo ngại rằng đây mới chỉ là bắt đầu của một “thị trường gấu”, song cá nhân tôi cho rằng thị trường chúng ta vẫn đang vững mạnh và đây chỉ là một đợt điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong một xu hướng tăng trung hạn. Hai yếu tố quan trọng nhất tác động đến xu hướng trung hạn của thị trường theo tôi vẫn chưa hề có sự thay đổi. (1) Chúng ta đang ở trong một thị trường được định giá rẻ khi nhìn vào cả vào PE lẫn PB. Ở kịch bản lãi suất tăng 1% từ nay đến cuối năm, chúng ta vẫn có một mức định giá nghịch đảo của PE thấp hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi. Xét về mặt định giá dựa trên tài sản, PB của Vnindex chỉ 1.8 lần so với mức trung vị 10 năm 2.1 lần. Thậm chí nếu nhìn vào tương lai thì mức PB được chiết khẩu thấp hơn đến 23% so với mức trung vị. (2) Thị trường vẫn đang trong giai đoạn đầu của chu kỳ tăng trưởng nếu nhìn vào chu kỳ kinh tế. Tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2024 theo kế hoạch và theo ước tính của các công ty chứng khoán của thị trường trong năm nay vào khoảng mức 20%.
Mối lo lớn nhất của tôi lúc này đó chính là kịch bản Recession xảy ra ở Mỹ. Theo tôi chỉ có sự kiện này mới có thể đủ sức làm thay đổi xu hướng trung hạn của thị trường. Dù các dữ liệu kinh tế đang ủng hộ, song chúng ta nên nhớ rằng chung ta vẫn đang ở trong giai đoạn cuối của chu kỳ thắt chặt tiền tệ trên thế giới. Xin đừng nhầm lẫn với chu kỳ tiền tệ ở Việt Nam!
Chiến lược đầu tư
DataTalk vẫn chưa nhận thấy nhiều dấu hiệu của việc kinh tế Mỹ sẽ yếu đi hay những dấu hiệu về Recession sẽ xảy ra trong ít nhất 3 tháng tới khi (1) khu vực sản xuất của Mỹ đang phục hồi mạnh, (2) thị trường lao động Mỹ vẫn đang rất chặt chẽ khi thâm hụt cung cầu lao động chưa trở về mức cân bằng và (3) có một số dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản của Mỹ đã tạo đáy, đơn cử như giấy phép xây dựng nhà mới đang phục hồi dần qua từng tháng.
Với nhận định này cùng với những nôi tại của bản thân thị trường, DataTalk tin rằng chúng ta vẫn có quyền tiếp tục lạc quan vào xu hướng của thị trường. Tuy nhiên, như DataTalk đã từng đánh giá: chúng ta đang ở trong giai đoạn đầu của chu kỳ kinh tế nhưng lại là giai đoạn cuối của chu kỳ tiền tệ. Mặc dù những rủi ro từ nội tại là không cao, nhưng rủi ro từ những yếu tô bên ngoài đủ để chúng ta nâng cao sự cẩn trong giai đoạn hiện tại. Hạn chế sử dụng margin, tránh xa các cổ phiếu FOMO, giữ danh mục ở mức beta dưới 1… là một trong những cách giúp bạn có thể bảo vệ danh mục ở thời điểm hiện tại, đồng thời không để hiệu suất thị trường vượt quá xa danh mục trong trường hợp Vnindex tiếp tục xu hướng tăng. Chiến lược của DataTalk trong giai đoạn hiện tại vẫn là giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa đến cao, nhưng vẫn luôn theo dõi sát sao các diễn biến mới nhất của các yếu tố bên ngoài để kịp thời cân đối tỷ trọng, hay nói một cách đơn giản hơn là: 1 chân trên bờ 1 chân dưới nước.
Một số ngành mà chúng ta có thể chú ý trong giai đoạn từ giờ đến cuối năm mà DataTalk đánh giá cao bao gồm:
Ngân hàng: (1) định giá của ngành vẫn đang ở vùng thấp khi PB forward 2024 vẫn đang thấp hơn PB trung vị gần 20% và (2) động lực tăng trưởng chính của ngành là sự phục hồi của tín dụng đang tiếp tục được duy trì, đặc biệt ở 2 khu vực trọng yếu là sản xuất và thương mại.
Thép: (1) triển vọng phục hồi giá thép khi sản xuất của Mỹ và Trung Quốc phục hồi, thị trường bất động sản của Mỹ có dấu hiệu tạo đáy và thị trường bất động sản Trung Quốc cũng đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và (2) mức định giá của nhóm cổ phiếu thép đang chưa phải ở mức đắt.
Xuất khẩu: (1) hoạt động thương mại toàn cầu phục hồi và (2) nhiều nhóm cổ phiếu xuất khẩu chưa nhận được sự chú ý của thị trường giai đoạn từ đầu năm đến nay như gỗ, sợi…
Hàng tiêu dùng: (1) định giá của ngành đang ở vùng đáy, nhiều doanh nghiệp ghi nhận sự phù hồi về biên lãi như VNM, SAB… và (2) đây là một nhóm cổ phiếu phòng thủ cần có trong giai đoạn chưa chắn chắn như hiện tại.
Performance
Cùng chung với diễn biến của thị trường, DataTalk đã không đủ tinh tế để giảm tỷ trọng trước cú sụt giảm của thị trường. Một phần là vì hệ thống của DataTalk thiên về nhận diện các rủi ro trong chung hạn thay vì ngắn hạn. Tuy nhiên trong bất kỳ hoàn cảnh nào DataTalk cũng sẵn sàng chuẩn bị kịch bản khi thị trường đi ngược với nhận định của mình. Tính từ đầu năm, hiệu suất đầu tư của DataTalk là 15.6%, so với mức 7.1% của Vnindex. Lũy kế từ đầu 2023 đến nay, hiệu suất của DataTalk là 41.5%, so với mức 20.1% của Vnindex.
Xem thêm về hiệu suất đầu tư của DataTalk tại đây
Những đánh giá, nhận định của DataTalk bạn đọc chỉ nên sử dụng với mục đích tham khảo. DataTalk không chịu trách nhiệm với những quyết định đầu tư của bạn đọc dự trên thông tin của DataTalk.