Thị trường chứng khoán toàn cầu kết thúc 2 tháng đầu năm với một sự phân hoá cực kỳ rõ nét, dưới đây là một số diễn biến đáng chú ý:
Mỹ: nhóm bigtech thể hiện sự hụt hơi sau khi mô hình R1 của Deepseek được công bố với khả năng khả năng suy luận vượt trội dựa trên mô hình đầu tư với chi phí thấp. Nỗi lo về khả năng thu hẹp cạnh tranh của các “đại gia” công nghệ của Mỹ với phần còn lại của thế giới và câu hỏi lớn về khả năng tạo ra lợi nhuận từ các chi tiêu khổng lồ cho hạ tầng AI khiến chỉ số Nasdaq (US Tech) giảm 2,4% trong 2 tháng đầu năm, trong khi đó Dow Jones (US Bluechip) vẫn giữ được mức tăng 3,0% nhờ sự ổn định của các ngành còn lại.
EU: thị trường chứng khoán châu Âu nổi lên như một điểm sáng thay thế spotlight của Mỹ trong thời gian qua nhờ một kỳ vọng mới mang tên “MEGA” (Make Europe Great Again). Mức tăng ấn tượng hơn 11,6% nhờ sự dẫn dắt chính của các công ty Đức (+13,3%).
Trung Quốc: trong khi chỉ số Hangseng đại diện cho nhóm Tech của Trung Quốc tăng ấn tượng nhờ hiệu ứng “Deepseek” thì phần còn lại của chứng khoán Trung Quốc không có nhiều điểm nhấn với chỉ số Shanghai giảm nhẹ 0,9%, phản ánh sự phục hồi chậm của các ngành công nghiệp truyền thống.
ASEAN: thị trường chứng khoán Đông Nam Á tiếp tục chịu ảnh hướng mạnh từ sự tháo chạy của dòng vốn toàn cầu. Thái Lan và Indo giảm 2 chữ số chỉ trong vòng 2 tháng, trong khi Philippines cũng mất hơn 8%. Việt Nam nổi lên như một điểm sáng hiếm hoi của khu vực này với mức tăng 3,0% nhờ câu chuyện của riêng mình.
World
Kinh tế toàn cầu đã trải quan gần 3 năm chịu nhiều thách thức dưới áp lực của chính sách tiền tệ thắt chặt ở Mỹ và châu Âu và suy thoái thị trường bất động sản tại Trung Quốc. Trong 2 tháng đầu năm nay, chúng tôi nhận thấy đang có những chuyển biến sâu sắc ở một số vấn đề sau:
Sự phục hồi sản xuất của Hoa Kỳ. Chính sách “Nước Mỹ trên hết” với mục tiêu phục hồi sản xuất trong nước của Donal Trump thông qua những hứa hẹn về chính sách về ưu đãi thuế doanh nghiệp hay áp thuế nhập khẩu đang bước đầu thu về một số thành quả nhất định. Đơn đặt hàng mới của các doanh nghiệp sản xuất theo khảo sát của ISM tăng mạnh nhất kểt từ đầu năm 2022, trong khi đó báo cáo mới nhất của S&P cũng cho thấy con số khả quan trong tháng 2. Quan sát của chúng tôi cho thấy, những con số này hoàn toàn phù hợp với diễn biến đẩy mạnh nhập khẩu nguyên vật liệu gần đây của khối công nghiệp để phục vụ cho nhu cầu sản xuất trong tương lai.
Tâm lý người tiêu dùng Mỹ suy yếu. Trái ngược với diễn biến của khu vực sản xuất thì tâm lý người dùng Mỹ đang dần trở nên bi quan dưới nỗi lo lạm phát gia tăng và những chính sách cắt giảm việc làm trong chính quyền mới của Donal Trump. Chỉ số tâm lý tiêu dùng của đại học Michigan và Conference Board giảm mạnh về mức thấp nhất nhiều tháng trong tháng 2. Mặc dù những diễn biến này chưa phản ánh vào nền kinh tế thực, song nó cũng là một rủi ro cần chú ý trong thời gian tới vì đây thường là những tín hiệu báo trước cho hành vi của người tiêu dùng Mỹ.
Châu Âu trỗi dậy. Dù chịu ảnh hưởng bởi một số vấn đề dai dẳng như xung đột Nga - Ukraina kéo dài và rủi ro áp thuế của Mỹ, song kinh tế EU đang có nhiều cơ hội để bứt tốc trong thời gian tơi sau 3 năm gần như đi ngang. Mối quan hệ rạn nứt với Mỹ buộc EU mở van tài khoá để đẩy mạnh kinh tế và tự chủ quốc phòng, cùng với sự hỗ trợ từ chính sách tiền tệ nới lỏng là những điểm nhấn hỗ trợ cho kinh tế của khối EU trong thời gian tới. Sau lần cắt giảm đầu tiên và tháng 2, dự kiến có ít nhất 3 lần hạ lãi suất nữa của ECB trong năm nay.Trong nỗ lực tìm lại vị thế của mình, Đức sẽ đóng vai trò là đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế châu Âu nhờ dư địa tài khoá rộng lớn và bộ máy chính trị mới có thừa sự cứng rắn cho mục tiêu của mình.
Về rủi ro áp thuế của Mỹ lên hàng hoá châu Âu, sẽ không có điều gì là chắc chắn với chính quyền mới của Donal Trump. Tuy nhiên trên thực tế việc áp thuế vào hàng hoá châu Âu có nghĩa là Mỹ đang tự bắn vào chân mình khi tỷ trọng xuất khẩu của Mỹ và khu vực Euro còn cao hơn cả khu vực Euro vào Mỹ.
Trung Quốc phục hồi chậm. Triển vọng phục hồi của kinh tế Trung Quốc vẫn còn thiếu rõ nét khi niềm tin của người tiêu dùng chưa có nhiều chuyển biến bất kể nỗ lực của chính sách tiền tệ trong giai đoạn cuối quý 3 đã “thổi một làn gió” cho sự phục hồi của thị trường bất động sản và chứng khoán nước này. Doanh số bán lẻ hàng hoá tính đến tháng 12 cũng chỉ đạt mức tăng trưởng 3,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng gần 2 con số giai đoạn trước dịch.
Mặc dù vậy, trong ngắn hạn đang có một số điểm sáng cho thấy thị trường bất động sản của Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi ở phía nguồn cầu. Chỉ số giá nhà ở của NBS (Cục thống kê Trung Quốc) lần đầu tiên không suy giảm so vơi tháng trước kể từ tháng 6/2023 hay dữ liệu về doanh số bán nhà ở thương mại cũng cho thấy dấu hiệu chạm đáy. Tuy nhiên, sẽ cần thêm thời gian để thị trường hấp thụ hết nguồn cung dư thừa trước khi có sự phục hồi ở phía nguồn cung cũng như là thị trường xây dựng nước này.
2024 là năm mất kết nối giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, song 2025 chính sách tài khoá có thể được sử dụng là chìa khoá để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc với thâm hụt ngân sách chính thức dự kiến tăng từ mức 3% lên 4% và chưa tính đến sự phục hồi của ngân sách quỹ quốc gia. Dù vậy bài toán dài hạn là một bài toán lan giải hơn rất nhiều cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Có lẽ sẽ cần rất lâu nữa để chúng ta có thể thấy được 1 Trung Quốc đạt mức tăng trưởng trên 6% như những gì đã từng đạt được trước Covid khi mô hình tăng trưởng dựa trên tín dụng đã đẩy tỷ lệ nợ quốc gia lên mức quá cao để chính sách tiền tệ có thể phát huy được vai trò của nó.
Việt Nam
Không cần phải bàn cãi về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay với mục tiêu trên 8% mà chính phủ đặt ra. Đây là một bài toán khó nhưng theo chúng tôi có nhiều điều kiện thuận lợi để có thể đạt được mục tiêu này trong trường hợp các yếu tố bên ngoài không có nhiều biến động. Đầu tiền phải kể đến chính là tài khoá. Trên thực tế, tài khoá không chỉ là công cụ được chính phủ sử dụng trong ngắn hạn (năm nay), nó sẽ còn đóng vai trò quan trọng trong nhiều năm tới cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 2 chữ số từ năm 2026. Với tỷ lệ nợ công chỉ đạt mức khoảng gần 40% vào cuối năm 2024 và mức lợi suất thấp, chúng ta vẫn còn rất nhiều không gian để sử dụng công cụ này.
Rất nhiều nỗi lo về việc NHNN sẽ phải dành nhiều sự cân nhắc lựa chọn 1 trong 2 bài toán (1) tăng lãi suất để ổn định tỷ giá hoặc (2) thả tỷ giá để giữ lãi suất thấp. Trên thực tế, quyết định đã được đưa ra hết sức dễ dàng, lãi suất là lựa chọn ưu tiên ở thời điểm hiện tại và ổn định tỷ giá là mục tiêu mà có lẽ chúng ta chỉ đang tưởng tượng với nhau. Ngay trong tháng 2, tỷ giá chào mua USD (trần của tỷ giá liên ngân hàng) đã được nới thêm gần 500 VNĐ/USD lên mức gần 26000 USD/VND. Ở chiều ngược lại, lãi suất tín phiếu kỳ hạn 7 ngày giảm về mức 3,3% từ mức 4% đầu tháng, mở đường để lãi suất liên ngân hàng có thể hạ thấp hơn.
Thị trường bất động sản Việt Nam đã trải qua giai đoạn 3 năm đóng băng vì khủng hoảng nguồn vốn và các vấn đề pháp lý. Tuy nhiên, câu chuyện của chúng ta hoàn toàn khác với cuộc khủng hoảng dư cung của bất động sản Trung Quốc. Các luật mới (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản) có hiệu lực từ 2024 tạo hành lang tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho dự án và môi trường lãi suất thấp sẽ là những động lực quan trọng để thị trường bất động sản có thể tan băng trong năm nay, đặc biệt là khu vực phía nam để đóng góp vào tăng trưởng GDP.
Triển vọng tăng trưởng năm nay được chúng tôi tính toán từ dự phóng của các công ty chứng khoán trong 90 ngày gần nhất rơi vào khoảng gần 14% đối với Vnindex, 12,9% đồng thời ở nhóm ngân hàng và phi ngân hàng (bao gồm cả những doanh nghiệp nằm ngoài HSX). Theo chúng tôi, đây là một mức đánh giá tương đối thận trọng. Một số ngành dự kiến đạt được mức tăng trưởng cao nhờ cơ sở cùng kỳ thấp và cả yếu tố nội tại như Bán lẻ ICT (+45,2%), Nhiệt điện (+30,6%), Thép (+29,1%), Xăng dầu (+27,3%)
Market
Mức định giá ở vùng “All time high” của chứng khoán Mỹ vẫn đang là một trong những rủi ro lớn nhất mà chúng tôi cho rằng có thể tác động đáng kể đến thị trường trong thời gian tới. Kênh cổ phiếu hiện đang chiếm hơn ¼ tài sản của người dân Mỹ với tổng giá trị hơn 45 nghìn tỷ. Do vậy cho dù không tính đến tác động về mặt tâm lý, sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ có thể làm thay đổi đáng kể hành vi tiêu dùng của người dân Mỹ và điều này hoàn toàn không tích cực đến Việt Nam.
Ở một khía cạnh tích cực hơn, một mức sụt giảm trong phạm vị “chấp nhận được” của thị trường Mỹ có thể kích thích những “dòng tiền lớn” tìm đến những thị trường hấp dẫn hơn về mặt định giá và Việt Nam có thể là một điểm sáng trong số đó. Cùng với triển vọng về việc nâng hạng lên Emerging market theo tiêu chuẩn của FTSE, dự kiến năm nay sẽ có nhiều chuyển biến tích cực cho dòng vốn ngoại trong nước.
Một trong những rủi ro khác mà chúng tôi vẫn theo dõi sát sao đó là mức độ đòn bẩy tại các công ty chứng khoán đang cao kỷ lục, với giá trị tính trên vốn hoá cuối quý 4 đạt 4,2%. Tuy nhiên, rất khó để đánh giá được mức độ rủi ro của con số này vì chúng ta thiếu một mức tham chiếu chuẩn trước đây và trên thực tế, chúng tôi cũng hiếm khi nhận thấy đòn bẩy là nguồn cơn của những đợt giảm sâu trên thị trường.
Định giá thị trường tiếp tục có sự phân hoá sâu sắc giữa các nhóm cổ phiếu. Đà tăng đi trước lợi nhuận thời gian gần đây khiến cho việc lựa chọn cơ hội đầu tư đang ngày càng khó khăn… nếu chúng ta nhìn trên thu nhập. Trên thực tế, chúng tôi nhận thấy có đến gần 40% cổ phiếu vẫn đang được giao dịch dưới giá trị số sách, vẫn còn cao hơn rất nhiều so với giai đoạn 2021, đầu 2022.
Nhìn nhận một cách khách quan, chúng tôi nhận thấy có sự phân hoá rõ nét trong mức định giá của các nhóm doanh nghiệp. Trong khi nhóm Midcap và Penny đang được giao dịch tại mức định giá gần với trung vị của lịch sử, mức định giá PB của nhóm Bluechips vẫn còn cách khá xa mức này (1,8 so với 2,6). Đây là điểm mà chúng tôi nghĩ rằng cần lưu ý trong việc cân nhắc lựa chọn đầu tư để giảm thiểu rủi ro cho giai đoạn sắp tới.
Tổng kết
Trong hai tháng đầu năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện lên như một điểm sáng hiếm hoi giữa bức tranh ảm đạm của khu vực ASEAN, với VN-Index tăng nhẹ 3,0%. Sự phục hồi này phản ánh tiềm năng tăng trưởng kinh tế trong năm nay, được thúc đẩy bởi chính sách tài khóa, lãi suất duy trì ở mức thấp và hành lang pháp lý mở đường cho bất động sản tan băng. Tuy nhiên, một số rủi ro vẫn đang hiện hữu như tỷ lệ đòn bẩy tài chính của các công ty chứng khoán chạm mức kỷ lục, định giá cổ phiếu phân hóa rõ rệt giữa các nhóm, cùng với tác động từ tâm lý tiêu dùng Mỹ suy yếu và định giá “all-time high” của chứng khoán Mỹ. Đây là những yếu tố có thể gây biến động dòng vốn và cần theo dõi thời gian tới.
Tìm hiểu về dịch vụ Uỷ thác đầu tư dành cho nhà đầu tư cá nhân của chúng tôi