Thị trường chứng khoán toàn cầu kết thúc tháng 3 với diễn biến tương đối kém tích cực, dưới đây là một số diễn biến đáng chú ý:
Mỹ: thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc khi niềm tin về nhóm công nghệ dần sụp đổ (Nasdaq giảm hơn 8%). Những gì đang diễn ra gợi nhớ cho chúng tôi về hai giai đoạn, (1) giai đoạn vào tháng 7- 8 năm ngoái, thời điểm chứng khoán Mỹ điều chỉnh khi những nỗi lo về suy thoái trên thực tế là không diễn ra và (2) cú nổ của bong bóng Dotcom trong những năm 2000. Thành thực mà nói, chúng tôi đang nghiêng về kịch bản (2) nhiều hơn. Sự tương đồng này không chỉ đến từ những kỳ vọng về một cuộc cách mạng công nghệ, nó còn đến từ mức định giá cao nhất mọi thời đại của thị trường chứng khoán Mỹ lúc đó và hiện tại.
Châu Âu: đà tăng của chứng khoán châu Âu chững lại theo xu hướng của dòng vốn tại các thị trường phát triển. Tính từ đầu năm đến nay, châu Âu vẫn là một trong những thị trường đạt được hiệu suất tốt nhất, chỉ đứng sau sự xuất sắc của chỉ số chứng khoán Hangseng nhờ hiệu ứng Deep seek đem lại.
Trung Quốc: sự phục hồi không rõ ràng của kinh tế Trung Quốc là lý do khiến cho thị trường chứng khoán gần như đi ngang trong 3 tháng vừa qua. Lịch sử cũng đã từng cho thấy, chứng khoán Trung Quốc có thể “tự tạo cuộc chơi” cho riêng mình mà không phụ thuộc vào Mỹ, do vậy diễn biến của thị trường chứng khoán nước này trong thời gian tới phần lớn sẽ phụ thuộc vào diễn biến của những kích thích kinh tế từ PBOC và tài khoá.
Emerging market: ngoại trừ thị trường Đài Loan, nơi cổ phiếu liên quan đến ngành bán dẫn chiếm đến hơn 50% vốn hoá thị trường ghi nhận sự sụt giảm mạnh, chúng tôi nhận thấy diễn biến của phần còn lại lại tương đối tích cực trong tháng 3, đặc biệt là thị trường Đông Nam Á. Chúng tôi lưu ý rằng, đây là thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ sự dịch chuyển của dòng vốn ngoại vào các thị trường phát triển trong hơn 2 năm qua. Do vậy, nếu điều ngược lại diễn ra, chúng ta có thể tiếp tục chứng kiến sự tương quan ngược này với thị trường chứng khoán Mỹ.
World
Trong báo cáo tháng 2, chúng tôi đã đưa ra một số dấu hiệu cho thấy diễn biến kinh tế của các khu vực lớn trên thế giới dã dần rõ nét hơn. Mặc dù xu hướng này vẫn tiếp diễn, tuy nhiên tác động từ những chính sách thuế quan của Mỹ đến nền kinh tế thực bắt đầu có hiệu lực trong các tháng tới có thể bẽ gãy xu hướng này bất cứ lúc nào.
Mỹ: Sự trở lại trong nhiệm kỳ 2 của mình, Trump đang dẫn kinh tế Mỹ đang đi theo 1 trong 2 kịch bản: (1) kinh tế tăng trưởng dưới sự dẫn dắt của khu vực sản xuất khi các nhà xuất tìm cách quay lại Mỹ để tránh hào rào thuế quan do Trump dựng lên và (2) hàng rào thuế quan này sẽ “giết chết” sức mua của người dân Mỹ do chi phí gia tăng từ đó làm kinh tế yếu đi. Diễn biến của thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu Mỹ cũng như kết quả của các cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng gần đây cho thấy thị trường đang nghiên về kịch bản 2 nhiều hơn. Đương nhiên, nhận định này mang tính chất “kỳ vọng” nhiều hơn là những gì đang diễn ra ở nền kinh tế thực.
Đối với chúng tôi, vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận dù đã có một số “vết nứt” của kinh tế Mỹ trong ngắn hạn, nhưng điều quan trọng là chúng chưa đủ lớn để gây ra mức lo ngại. Trong dài hạn, tác động từ 3 trụ cột trong chính sách kinh tế mà chính quyền Trump đang thực hiện, bao gồm (1) giảm thuế doanh nghiệp, (2) cắt giảm chi tiêu chính phủ và (3) tăng thuế nhập khẩu có thể tạo ra một “chuyển dịch sức khoẻ” bảng cân đối hộ gia đình sang hai khu vực còn lại (doanh nghiệp và chính phủ). Với bảng cân đối kế toán vẫn đang vô cùng lành mạnh ở thời điểm hiện tại, khu vực hộ gia đình có thể đủ khả năng hấp thụ tác động từ thuế quan mà không gây ra sự đỗ vỡ nào cho kinh tế Mỹ.
EU: Sau nhiều năm đứng trên vai trò là 1 đồng minh thân cận đối với Mỹ, các quốc gia EU như “nhận một gáo nước lạnh” với những chính sách ngoại giao trong nhiệm kỳ 2 của Donal Trump, từ các vấn đề về thuế quan cho đến vấn đề về an ninh của Ukraina. Hệ quả của chuỗi sự kiện này buộc EU phải thay đổi cái nhìn về người bạn thân lâu năm của mình và đẩy mạnh quá trình tự chủ về quốc phòng cũng như đa dạng chuỗi cũng ứng ngoài Mỹ. Đây là một động lực quan trọng để EU phục hồi khu vực sản xuất, vốn trong trạng thái thu hẹp trong gần 3 năm trở lại đây. Và tất nhiên, vai trò dẫn dắt châu Âu tìm lại vị thế của mình không ai khác ngoài Đức.
Trung Quốc: Sự chú ý của chúng tôi tiếp tục hướng đến thị trường bất động sản Trung Quốc trong bối cảnh đây là mắt xích quan trọng cho sự phục hồi của kinh tế. Trong hai tháng đầu năm, tốc độ thi công nhà mới (dựa trên diện tích sàn xây mới) của Trung Quốc tiếp tục suy yếu, nhưng điều này không quan trọng bằng sự phục hồi của doanh số bán nhà. Biểu đồ bên dưới cho chúng ta cái nhìn rõ nét hơn về tác động từ phía cầu đến nguồn cung của thị trường bất động sản Trung Quốc.
Tuy nhiên chúng ta cần phải tỉnh táo để nhận ra rằng, sự phục hồi thị trường bất động sản Trung Quốc lần này (nếu có diễn ra) sẽ rất khác với những gì đã diễn ra trong giai đoạn 2016, 2017. Trước 2016, tổng tín dụng trong nền kinh tế của Trung Quốc rơi vào khoảng 235% GDP, hiện tại con số này đã tăng thêm 50%, cao hơn khoảng 60% so với các nền kinh tế mới nổi. Mức dư nợ tín dụng quá lớn làm kìm hãm cả nhu cầu của người vay và người cho vay, khiến cho chính sách tiền tệ chưa đem lại nhiều hiệu quả bất chấp những nỗ lực hạ lãi suất của PBoC. Áp Trong gần 10 năm qua, cùng với chính sách đẩy mạnh tỷ lệ đô thị hoá của chính quyền thì nhu cầu sở hữu nhà ở Trung Quốc cũng đã không còn như trước.
Việt Nam
Trong 2 tháng đầu năm, sản xuất có sự chậm lại đôi chút.do nhu cầu yếu đi từ thị trường xuất khẩu. Tuy sự chậm lại này không quá lớn, nhưng rõ ràng sẽ tạo ra thách thứ cho một mức tăng trưởng cao trong quý đầu tiên. Điều này hàm ý rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% trong năm nay, tốc độ tăng trưởng trong các quý tiếp theo cần phải được đẩy mạnh.
Môi trường bất ổn của kinh tế toàn cầu dưới thời Donal Trump 2.0 đang gây rao cản cho động lực tăng trưởng xuất khẩu trong nước, nhưng đổi lại một điểm cộng chúng tôi nhận thấy rằng điều này đang kích hoạt các dòng vốn nước ngoài hướng nhiều hơn đến Việt Nam trong vai trò là một đối tác thương mại thân thiện với Mỹ. Đây sẽ là một trong những lực đẩy quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn, với điều kiện cần là Việt Nam tiếp tục duy trì một chính sách đối ngoại hợp lý và vẫn trong vai trò là một đối tác quan trọng của Mỹ không chỉ nằm ở kinh tế, mà còn về mặt địa chính trị.
2 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư ngân sách đạt hơn 70 nghìn tỷ, tăng gần 22% so với cùng kỳ. Chúng tôi cần phải nhấn mạnh rằng, nếu chính sách tiền tệ cần cơ chế truyền dẫn qua các trung giai tài chính để đến nền kinh tế thực thì tác động của chính sách tài khoá là gần như tức thì. Do vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, chính sách tài khoá gần như là yếu tố không thể thiếu, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng của khu vực xuất khẩu và một yếu tố không chắc chắn.
Đối với chính sách tiền tệ, điểm tích cực là chúng ta vẫn duy trì được một môi trường lãi suất thấp để kích thích kinh tế. Đối với chúng tôi, điều này là đủ tác động tích cực đến nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán. Triển vọng hạ lãi suất trong năm nay là hoàn toàn có khả năng xảy ra, tuy nhiên đây là câu chuyện trong nửa sau của năm nhiều hơn thay vì là câu chuyện trong ngắn hạn. Hành động hạ lãi suất Bills gần đây (và ngưng phát hành mới) có thể tạo điều kiện cho lãi suất mục tiêu giảm sâu hơn, nhưng cơ chế quan trọng trong điều hành lãi suất mục tiêu của Việt Nam nằm ở OMO rate.
Market
Trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam là một trong số ít thị trường chứng khoán trên thế giới ghi nhận mức tăng trưởng dương, đặc biệt nếu nhìn sang các thị trường Đông Nam á khác như Thái Lan (-17,3%), Indonesia (-8,0%) hay Malaysia (-7,8%). Mặc dù diễn biến có sự khác nhau, song chúng ta vẫn có 2 câu chuyện chung với thị trường khu vực (1) sự tháo chạy của dòng vốn nước ngoài và (2) mức định giá đủ hấp dẫn nếu nhìn trên giá trị sổ sách. Diễn biến “đi trước” của thị trường chứng khoán ĐNA cùng mức định giá hấp dẫn vô tình lại là bộ đệm giúp hấp thụ những cú sốc từ thị trường chứng khoán Mỹ, điều mà đã xảy ra trong những tuần gần đây.
Rõ ràng, sự lệch pha diễn ra trong bối cảnh dòng vốn ngoại là như nhau thì niềm tin của dòng vốn nội vào triển vọng kinh tế là yếu tố then chốt tạo ra sự khác biệt này. Tính từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng hơn 21 nghìn tỷ, cùng với mức mua ròng hơn 4 nghìn tỷ của các tổ chức kinh tế trong nước tạo ra một cán cân thăng bằng với dòng vốn ngoại. Nhu cầu của dòng tiền nhà đầu tư cá nhân trong nước là một thước đo khó đong đếm, tuy nhiên nếu nhìn vào ttỷ lệ khớp lệnh trên thị trường vẫn đang ở mức thấp (chỉ khoảng 23% so với số lệnh đặt mua), chúng tôi cho rằng lực cầu tiềm năng của nhà đầu tư là vẫn còn lớn.
Ảnh hưởng từ “Tech Mỹ”, nhóm cổ phiếu công nghệ Việt Nam cũng ghi nhận sự lao dốc mạnh trong 3 tháng đầu năm và là một trong những tác nhân lớn “cản trở” đà tăng của thị trường. FPT, CTR, VGI, CMG đều mất khoảng 21% trong vòng thời gian này. Với mức thị giá trên 8 lần giá trị sổ sách (ngoại trừ CMG), chúng tôi cho rằng chỉ cần là một nhà đầu tư nắm được những khái niệm cơ bản về định giá cũng có thể tránh được những mất mát lớn như vậy. Đối với những ngành còn lại, bất động sản và xây dựng là 2 nhóm ngành đóng góp tích cực nhất vào diễn biến của thị trường từ đầu năm đến nay, điều chúng tôi rằng hoàn toàn phù hợp với triển vọng của những nhóm ngành này trong năm nay.
Ourlook
Chúng tôi nhận biết được rằng rủi ro trong trung hạn của thị trường đang gia tăng, phần lớn xuất phát từ bất ổn của nền kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ, nhưng nó chưa đủ lớn để chúng tôi chuyển sang vị thế nắm giữ tiền mặt trong danh mục đầu tư của mình. Trong ngắn hạn, rủi ro thậm chí đang giảm bớt khi mức tâm lý thị trường mà chúng tôi đa được vẫn đang gần với vùng sợ hãi.
Chúng tôi kỳ vọng sự liên đới với thị trường chứng khoán Mỹ của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục đứt gãy trong thời gian tới nhờ 2 yếu tố chính (1) câu chuyện riêng về triển vọng kinh của kinh tế Việt Nam dưới tác động của kích thích tài khoá và môi trường lãi suất thấp, (2) mức định giá khác biệt của thị trường chứng khoán Việt Nam và Mỹ, điều mà có thể tạo ra điểm nhấn để thu hút dòng vốn các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, bên cạnh câu chuyện nâng hạng trong năm nay.
Trong 3 tháng đầu năm, chúng tôi cảm thấy tương đối may mắn khi đạt được mức hiệu suất vượt xa thị trường cũng như kỳ vọng của chúng tôi ở mức 21,5% (hiệu suất được tính toán từ danh mục đầu tư mẫu). Chắc chắn, giai đoạn sắp tới sẽ là một quãng thời gian khó khăn hơn rất nhiều khi mức định giá của các cổ phiếu chủ chốt trong danh mục đã ở một mức mới. Và cuối cùng, trong Ourlook lần này, chúng tôi xin được công khai danh mục đầu tư dành cho khách hàng của mình ở thời điểm hiện tại. Nếu bạn quan tâm đến dịch vụ Uỷ thác đầu tư của chúng tôi, vui lòng xem thêm ở đường link bên dưới
Tìm hiểu về dịch vụ Uỷ thác đầu tư dành cho nhà đầu tư cá nhân của chúng tôi