Trong hai phần trước của chuỗi bài viết "Trade War", chúng ta đã phác họa bức tranh về một "Trật tự cũ", nơi Mỹ thống trị về thu nhập (GDP) nhưng Trung Quốc lại vượt trội về tốc độ tích lũy tài sản. Chúng ta cũng đã phân định rõ vai trò của "Con nợ và Chủ nợ" trong trật tự đó, với Mỹ là con nợ lớn nhất và Trung Quốc nổi lên như một trong những chủ nợ hàng đầu thế giới.
Điều này đặt ra một nghịch lý khó tin: Làm thế nào mà một quốc gia với nền kinh tế lớn nhất, thị trường vốn sâu rộng nhất, và sức mạnh quân sự vượt trội lại có thể trở thành con nợ ròng khổng lồ của toàn cầu? Câu trả lời không chỉ nằm ở các con số thâm hụt thương mại, mà còn ẩn sâu trong một đặc quyền độc nhất vô nhị mà nước Mỹ sở hữu, một đặc quyền đã định hình nên mô hình tiêu dùng của họ, và vô tình tài trợ cho sự trỗi dậy của chính đối thủ cạnh tranh lớn nhất.
Đặc quyền tối thượng của đồng Đô la
Để hiểu tại sao Mỹ có thể chìm trong nợ nần theo cách mà không một quốc gia nào khác có thể, chúng ta phải bắt đầu với vai trò của đồng đô la. Kể từ khi hệ thống Bretton Woods được thiết lập sau Thế chiến II, đồng USD đã trở thành đồng tiền dự trữ thống trị toàn cầu. Điều này có nghĩa là phần lớn giao dịch thương mại quốc tế, từ dầu mỏ đến hàng hóa, đều được định giá và thanh toán bằng USD. Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới tích trữ USD như một phần cốt lõi trong dự trữ ngoại hối của họ để ổn định tỷ giá và đảm bảo khả năng thanh toán quốc tế.
Chính vai trò trung tâm này đã tạo ra một nhu cầu gần như vô tận đối với đồng bạc xanh. Trong khi các quốc gia khác phải "làm việc" để kiếm USD thông qua xuất khẩu mới có thể chi trả cho hàng hóa nhập khẩu, nước Mỹ lại ở một vị thế hoàn toàn khác. Họ có thể thanh toán cho hàng nhập khẩu bằng chính đồng tiền mà họ tự in ra.
Khi Việt Nam xuất khẩu một container cá basa sang Mỹ, chúng ta nhận về đô la. Tất nhiên chúng ta sẽ không dễ dàng gì để “lãng phí” số đô la này vì nó được dùng để mua máy móc từ Đức. Khi một quốc gia kiếm được ít đô la hơn số phải chi, họ phải vay nợ từ bên ngoài. Điều này gây ra sự phụ thuộc vào các dòng vốn bên ngoài và là mầm mống của những cú “vỡ nợ” quốc gia như sự sụp đổ của đồng Baht Thái Lan (1997) hay vụ vỡ nợ của Argentina (2001) khiến cho đồng Peso mất giá phi mã.
Nhưng khi Mỹ mua xe hơi từ Nhật Bản, mua quần áo từ Trung Quốc họ chỉ cần trả bằng đô la do chính họ in ra. Điều này tạo ra một "đặc quyền tối thượng", một dòng chảy gần như một chiều. Thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ đã trở thành kênh quan trọng nhất cung cấp thanh khoản USD cho phần còn lại của thế giới. Nói một cách đơn giản, Mỹ có một thứ mà các quốc gia khác chỉ có thể mơ ước: sức mua gần như không giới hạn. Họ có thể mua nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn những gì họ sản xuất ra trong một thời gian dài mà không phải đối mặt với cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán như bất kỳ quốc gia nào khác. Nếu Thái Lan hay Argentina cố gắng làm điều tương tự, đồng tiền của họ sẽ sụp đổ, lạm phát sẽ phi mã và nền kinh tế sẽ rơi vào khủng hoảng. Nhưng với Mỹ, thế giới lại khao khát nắm giữ những đồng đô la mà họ chi ra.
Chính đặc quyền này là mảnh đất màu mỡ đã gieo mầm cho tình trạng thâm hụt khổng lồ và kéo dài của nước Mỹ.
Từ cân bằng đến "cơn say" tiêu dùng
Nhìn lại lịch sử, nền kinh tế Mỹ không phải lúc nào cũng trong tình trạng "mua nhiều hơn bán". Trong những thập kỷ vàng son sau Thế chiến II, kéo dài đến đầu những năm 1970, Mỹ thường xuyên ở trạng thái cân bằng hoặc thặng dư thương mại đáng kể. Trong giai đoạn này, với hệ thống Bretton Woods còn hiệu lực, đồng đô la được neo vào vàng, điều này đặt ra một giới hạn vật chất cho việc in tiền của Mỹ.
Tuy nhiên, một bước ngoặt lịch sử đã xảy ra vào năm 1971 khi Hoa Kỳ đơn phương rút khỏi chế độ Bretton Woods, chấm dứt khả năng chuyển đổi trực tiếp từ đô la sang vàng. Quyết định này đã phá bỏ "vòng kim cô" cuối cùng kiềm chế việc in tiền. Không còn bị giới hạn bởi lượng vàng dự trữ, Mỹ có thể tạo ra đô la một cách linh hoạt hơn để tài trợ cho các nhu cầu chi tiêu trong nước và quốc tế. Đây chính là khoảnh khắc then chốt, mở đường cho kỷ nguyên thâm hụt khổng lồ sau này.
Sự chuyển dịch mang tính cấu trúc trở nên rõ nét kể từ thập niên 1980. Sự trỗi dậy của các "công xưởng thế giới" ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, cùng với làn sóng toàn cầu hóa đã mang đến một nguồn cung hàng hóa giá rẻ dồi dào cho thị trường Mỹ. Được trang bị khả năng in tiền gần như không giới hạn, Mỹ đã tận dụng cơ hội này. Một văn hóa tiêu dùng mạnh mẽ bén rễ và phát triển, khiến tỷ lệ tiết kiệm của người tiêu dùng Mỹ có xu hướng giảm dần.
Đây chính là điểm cốt lõi và là điểm chí mạng trong mô hình kinh tế của Mỹ trong suốt 40 năm qua. Về lý thuyết, việc vay nợ nước ngoài (thông qua thâm hụt thương mại) không hoàn toàn là tiêu cực, nếu chúng được dùng cho đầu tư. Như chúng ta đã biết từ công thức S = I + (X - M) ở bài viết trước, một đồng đầu tư sẽ tương đương với một đồng gia tăng tài sản, nhưng một đồng tiêu dùng sẽ đi vào hư không. Nếu khoản vay mượn từ nước ngoài này được dùng để tài trợ cho các dự án đầu tư sản xuất (I) – xây dựng nhà máy, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và phát triển thì nó sẽ tạo ra tài sản và năng lực sản xuất mới, giúp tạo ra thu nhập trong tương lai để trả nợ.
Nhưng điều này đã không xảy ra ở Mỹ. Tỷ lệ đầu tư của Mỹ chỉ chiếm khoảng 18% GDP, trong khi đó tỷ trọng tiêu dùng trong GDP của Mỹ đã tăng lên một cách chóng mặt, chiếm tới 68% GDP vào năm 2024, một con số vượt trội so với các nền kinh tế lớn khác. Nước Mỹ đã bước vào một "cơn say" tiêu dùng được tài trợ bởi phần còn lại của thế giới. Mỹ đã vay nợ để tận hưởng một mức sống cao hơn, để mua những chiếc điện thoại sản xuất ở Trung Quốc, những chiếc xe hơi lắp ráp ở Mexico. Họ đã tích lũy nợ phải trả cho nước ngoài mà không tạo ra một khối tài sản sản xuất tương ứng để cân đối lại. Thâm hụt thương mại của Mỹ phình to, từ vài chục tỷ USD những năm 1980 lên đến hàng trăm tỷ, và đỉnh điểm là vượt ngưỡng một ngàn tỷ USD trong giai đoạn gần đây.
Dòng tiền tái chế và sự thống trị của thị trường tài chính Mỹ
Vậy những nghìn tỷ đô la chảy ra khỏi nước Mỹ để trả cho hàng nhập khẩu đã đi về đâu? Các quốc gia và nhà đầu tư nước ngoài sau khi nhận được đô la họ không cất chúng trong két sắt. Họ cần phải làm cho số tiền đó sinh lời. Và nơi an toàn, thanh khoản và hấp dẫn nhất để đầu tư số đô la đó chính là nước Mỹ.
Một vòng tuần hoàn khổng lồ đã được thiết lập. Dòng đô la chảy ra khỏi Mỹ qua thâm hụt thương mại, sau đó lại được "tái chế" và chảy ngược trở lại dưới dạng đầu tư vào các tài sản tài chính của Mỹ. Các ngân hàng trung ương nước ngoài mua một lượng lớn Trái phiếu Chính phủ Mỹ, giúp chính phủ Mỹ dễ dàng tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách của mình với lãi suất thấp. Các quỹ đầu tư, công ty và cá nhân nước ngoài thì đổ tiền vào thị trường chứng khoán và bất động sản Mỹ, tìm kiếm lợi nhuận và sự an toàn.
Dòng vốn ngoại không ngừng nghỉ này đã trở thành một trong những động lực chính giúp các thị trường tài chính Mỹ, đặc biệt là thị trường chứng khoán, vượt trội so với phần còn lại của thế giới trong nhiều thập kỷ. Nó tạo ra một lực cầu ổn định, đẩy giá tài sản lên cao và củng cố vị thế của Phố Wall.
Trật tự cũ đã được thiết lập một cách hoàn hảo trong hơn 40 năm:
Bước 1: Với đặc quyền là đồng tiền dự trữ, Mỹ chi tiêu một cách "vô tội vạ", vượt xa năng lực sản xuất của mình.
Bước 2: Điều này gây ra thâm hụt thương mại và tài khoản vãng lai khổng lồ, bơm đô la ra khắp thế giới.
Bước 3: Lượng đô la dư thừa này được tái chế, chảy ngược về Mỹ để mua các tài sản tài chính, đặc biệt là trái phiếu và cổ phiếu.
Bước 4: Dòng vốn ngoại liên tục này trở thành một trong những động lực cốt lõi giúp thị trường tài chính Mỹ vượt trội so với toàn cầu, mang lại sự giàu có cho giới đầu tư Mỹ.
Đó là một vòng tuần hoàn tự củng cố, một bữa tiệc kéo dài hàng thập kỷ. Nhưng mọi bữa tiệc rồi cũng phải tàn.
Khi con nợ tỉnh giấc
Ở cuối của trật tự cũ này, nước Mỹ dần nhận ra một sự thật phũ phàng: họ đã mắc nợ quá nhiều. Vị thế con nợ ròng của họ ngày càng lớn, và quan trọng hơn họ nhận ra rằng chính mô hình tiêu dùng và thâm hụt của mình đã trực tiếp tài trợ cho sự giàu lên của Trung Quốc. Mỗi đô la Mỹ chi cho hàng hóa "Made in China" không chỉ giúp người tiêu dùng Mỹ có hàng giá rẻ, mà còn góp phần xây dựng nên các nhà máy, thành phố và cơ sở hạ tầng của đối thủ cạnh tranh chiến lược số một.
Mỹ đã tỉnh giấc và nhận ra rằng trật tự này không còn bền vững. Nó đang làm xói mòn nền tảng sản xuất trong nước và tạo ra một đối thủ cạnh tranh quá mạnh. Nước Mỹ cần phải thay đổi lại trật tự này. Cuộc chiến thương mại do chính quyền Trump khởi xướng về bản chất là nỗ lực đầu tiên nhằm phá vỡ vòng tuần hoàn kéo dài 40 năm đó. Và trật tự này nếu không phải là Trump, thì xu hướng tất yếu của nó cũng sẽ có một thế hệ lãnh đạo khác của Mỹ đứng ra để thay đổi nó.
Tất nhiên, bức tranh cũng không hoàn toàn màu hồng đối với Trung Quốc. Để có thể tài trợ cho khoản thặng dư thương mại khổng lồ với Mỹ và phần còn lại của thế giới, Trung Quốc cũng đã phải đánh đổi bằng những cái giá không hề nhỏ. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những đánh đổi đó trong bài viết tiếp theo: "Phép màu kinh tế của Trung Quốc".